Thế giới đang đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà nền tảng là Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), dữ liệu lớn (Big Data), robot và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), điện toán di động, cảm biến mọi lúc mọi nơi, hệ thống kết nối thực - ảo,... giúp cho năng suất lao động tăng lên nhanh chóng, cơ cấu lao động biến động mạnh, chất lượng cuộc sống được nâng cao, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với phương thức quản lý, lãnh đạo của các quốc gia, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng và phát triển thành phố thông minh (Smart City) đang là vấn đề được ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trên phạm vi toàn cầu. Thành phố thông minh là kết quả tất yếu, đồng thời là công cụ, phương tiện để đạt tới các mục tiêu tốt đẹp của các đô thị và cư dân của mình: là thành phố có giá trị, thành phố đáng sống, thân thiện, có khả năng phục hồi sau các thảm họa, khủng hoảng và phát triển bền vững. Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh trên khắp thế giới đang chuyển từ bản vẽ thành hiện thực.
